Khảo sát là một công cụ phổ biến để thu thập thông tin, ý kiến và phản hồi từ các đáp viên trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, để dữ liệu thu thập được mang tính chính xác và đạt độ tin cậy cao thì việc thiết kế câu hỏi làm sao cho khách quan và trung lập là điều vô cùng cần thiết. Trong bài viết này, Marketing Du Ký sẽ hướng dẫn các bạn 10 cách đặt câu hỏi khảo sát tránh bị dẫn dắt.


    10 Cách Đặt Câu Hỏi Khảo Sát Tránh Bị Dẫn Dắt

    1. Vì sao cần tránh đặt câu hỏi mang tính dẫn dắt?

    Câu hỏi dẫn dắt là các câu hỏi khiến cho đáp viên cảm thấy bản thân bị định hướng hoặc áp lực để chọn một đáp án cụ thể, thay vì tự do bày tỏ ý kiến thật sự của họ. Điều này có thể xảy ra do cách sử dụng từ ngữ, cấu trúc câu hỏi, hoặc các lựa chọn trả lời thiếu cân bằng.

    Việc làm này có thể dẫn đến một số hậu quả sau:

    Mất đi tính khách quan: Khảo sát không còn là công cụ đo lường trung lập mà trở thành phương tiện để củng cố quan điểm của người thiết kế.

    Giảm độ tin cậy: Dữ liệu không chính xác sẽ dẫn đến những quyết định sai lầm hoặc chiến lược không hiệu quả.

    Kết quả bị sai lệch: Khi câu hỏi gợi ý một phương án cụ thể, đáp viên có thể đưa ra sự lựa chọn không phản ánh đúng quan điểm thật sự của họ.

    Trên thực tế, đây là 1 trong 5 sai lầm phổ biến khi đặt câu hỏi khảo sát. Chính vì thế, việc thiết kế bảng câu hỏi sao cho không bị dẫn dắt là yếu tố then chốt để đảm bảo việc khảo sát mang lại kết quả khách quan và chính xác.

    2. 10 cách đặt câu hỏi khảo sát tránh bị dẫn dắt

    2.1. Sử dụng từ ngữ trung lập

    Không sử dụng từ ngữ mang tính định hướng, không gợi ý hay tạo áp lực cho đáp viên. Ngôn ngữ trung lập sẽ giúp cho người tham gia có thể tự do thể hiện ý kiến mà không bị ảnh hưởng bởi quan điểm của nhà nghiên cứu.

    Câu gốc: Bạn có đồng ý rằng sản phẩm của chúng tôi là tốt nhất không?

    Sửa lại: Bạn đánh giá chất lượng sản phẩm của chúng tôi như thế nào?

    2.2. Dùng từ ngữ rõ ràng, dễ hiểu

    Câu hỏi cần được diễn đạt một cách đơn giản, tránh sử dụng thuật ngữ chuyên ngành hoặc ngôn ngữ phức tạp, đặc biệt khi đối tượng khảo sát không quen thuộc với chúng.

    Câu gốcBạn đánh giá thế nào về tính khả thi của thiết bị này?

    Sửa lại: Bạn có dễ dàng sử dụng thiết bị của chúng tôi không?

    2.3. Tránh việc giả định

    Trên thực tế, bạn không nên giả định rằng đáp viên đã có kiến thức hoặc quan điểm cụ thể về vấn đề bạn đang hỏi. Hãy đặt câu hỏi một cách cởi mở để phù hợp với mọi trường hợp.

    Câu gốc: Tại sao bạn không thích ứng dụng này?

    Sửa lại: Bạn có thích ứng dụng này hay không? Vì sao?

    2.4. Tránh đặt cảm xúc vào câu hỏi

    Câu hỏi mang tính cảm xúc có thể khiến người trả lời cảm thấy áp lực hoặc bị phán xét, dẫn đến việc trả lời không trung thực. Hãy giữ câu hỏi ở trạng thái khách quan.

    Câu gốcBạn có cảm thấy đáng tiếc khi không ủng hộ chương trình này không?

    Sửa lại: Bạn có ủng hộ chương trình này hay không? Vì sao?

    2.5. Cung cấp nhiều sự lựa chọn

    Khi sử dụng các câu hỏi trắc nghiệm với những đáp án có sẵn, bạn cần đảm bảo rằng các lựa chọn bao quát đầy đủ các quan điểm khác nhau chứ không thiên về một phía.

    Câu gốcBạn có hài lòng với dịch vụ của chúng tôi không?

    • Không

    Sửa lại: Mức độ hài lòng của bạn đối với dịch vụ của chúng tôi như thế nào?

    • Rất không hài lòng
    • Không hài lòng
    • Bình thường
    • Hài lòng
    • Rất hài lòng

    2.6. Tránh đặt các câu hỏi kép

    Bạn nên nhớ rằng mỗi câu hỏi chỉ nên tập trung vào một ý duy nhất. Việc kết hợp nhiều vấn đề vào cùng một câu hỏi có thể gây nhầm lẫn và làm cho câu trả lời không được rõ ràng.

    Câu gốcBạn có hài lòng với giá cả và chất lượng sản phẩm không?

    Sửa lại: (Tách thành 2 câu hỏi riêng biệt)

    Bạn có hài lòng với giá cả sản phẩm không?

    Bạn có hài lòng với chất lượng sản phẩm không?

    2.7. Sử dụng các câu hỏi mở

    Câu hỏi mở cho phép đáp viên tự do diễn đạt ý kiến của bản thân mà không bị giới hạn bởi các lựa chọn có sẵn. Đây là cách vô cùng hiệu quả để thu thập thông tin một cách trung thực và chính xác.

    Ví dụ: Bạn nghĩ gì về chính sách mới của công ty chúng tôi?

    2.8. Dùng thang đo cân bằng

    Khi áp dụng các thang đo vào câu hỏi khảo sát, bạn cần đảm bảo rằng các mức độ được phân bổ đều và không thiên về một phía. Đồng thời, định nghĩa rõ ràng ý nghĩa của từng mức. Trong trường hợp này, thang đo Likert là một sự lựa chọn vô cùng hợp lý.

    Ví dụ: Bạn cảm thấy hài lòng với chất lượng dịch vụ của nhà hàng X.

    • Hoàn toàn không đồng ý
    • Không đồng ý
    • Trung lập
    • Đồng ý
    • Hoàn toàn đồng ý

    2.9. Kiểm tra lại tính khách quan

    Sau khi hoàn thành bảng câu hỏi khảo sát, bãy tự đặt câu hỏi: "Liệu câu hỏi này có thể được hiểu theo nhiều cách khác nhau hay không?" Nếu có, hãy chỉnh sửa để đảm bảo rằng các câu hỏi rõ ràng và không mang tính chất định hướng.

    2.10. Kiểm tra lại độ tin cậy

    Trước khi triển khai khảo sát chính thức, bạn hãy tiến hành khảo sát thử với một nhóm nhỏ để kiểm tra xem bảng câu hỏi có vô tình dẫn dắt đáp viên hay không. Khi ấy, bạn có thể kịp thời điều chỉnh lại dựa trên góp ý từ những người tham gia.

    Tóm lại, bạn hãy luôn nhớ rằng việc tiến hành khảo sát là để lắng nghe ý kiến thật sự của đáp viên, chứ không phải để củng cố quan điểm cá nhân của nhà nghiên cứu. Do đó, Marketing Du Ký hy vọng rằng bạn đã biết 10 cách đặt câu hỏi khảo sát tránh bị dẫn dắt thông qua bài viết này.