Thuyết hành vi có kế hoạch (TPB) là một trong những lý thuyết mạnh mẽ để phân tích và dự đoán hành vi của con người. Dựa vào đó, nhà nghiên cứu có thể đưa ra các chiến lược hiệu quả hơn để thay đổi hành vi trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong bài viết này, Marketing Du Ký sẽ giới thiệu đến các bạn tất tần tật về Thuyết hành vi có kế hoạch (Theory of Planned Behavior - TPB) nhé.
Theo đó, TPB nhấn mạnh rằng hành vi của con người bị chi phối bởi ý định hành vi, và được quyết định bởi ba yếu tố chính: (1) Thái độ đối với hành vi, (2) chuẩn chủ quan, và (3) nhận thức kiểm soát hành vi.
Hiện nay, mô hình TPB đã được áp dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: Marketing, giáo dục, y tế, nhà hàng, khách sạn,... Để dự đoán ý định và hành vi thực tế của khách thể nghiên cứu.
2. Chi tiết về Thuyết hành vi có kế hoạch (TPB)
Theo Ajzen (1991), Thuyết hành vi có kế hoạch (TPB) được vận hành dựa trên các yếu tố:
Thái độ đối với hành vi (Attitude towards the behavior): Là sự đánh giá (có thể tích cực hoặc tiêu cực) của một cá nhân trước khi thực hiện một hành vi cụ thể. Theo đó, nếu một người có thái độ tích cực với hành vi, khả năng cao là họ sẽ thực hiện hành vi đó.
Chuẩn chủ quan (Subjective Norms): Là nhận thức của một cá nhân đối với sự kỳ vọng từ những người quan trọng xung quanh họ (gia đình, bạn bè,...) đối với hành vi mà họ sắp thực hiện. Nếu một cá nhân tin rằng những người xung quanh sẽ ủng hộ hành vi, khả năng cao là người đó sẽ thực hiện hành vi đó.
Nhận thức kiểm soát hành vi (Perceived behavioral control): Là niềm tin của một cá nhân đối với khả năng thực hiện hành vi của họ. Nếu một người cảm thấy rằng họ hoàn toàn có thể kiểm soát hành vi của mình, khả năng cao là họ sẽ thực hiện hành vi đó.
Ý định hành vi (Behavioral intention): Là sự sẵn sàng của một người để thực hiện một hành vi cụ thể. Đây chính là yếu tố dự đoán trực tiếp nhất của hành vi.
Hành vi (Behavior): Là những hành động thực tế có thể quan sát được và thường được quyết định bởi ý định thực hiện hành vi.
3. Ưu điểm và hạn chế của Thuyết hành vi có kế hoạch (TPB)
Về ưu điểm, do khắc phục được một số hạn chế từ Thuyết hành động hợp lý (TRA) nên mô hình TPB đã có dự đoán tốt hơn về hành vi của con người. Ngoài ra, TPB đã trở thành một khung lý thuyết khá hoàn chỉnh để xác định các yếu tố và giải thích động cơ thực hiện hành vi.
Về mặt hạn chế, Thuyết hành vi có kế hoạch (TPB) đã không xem xét đến các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến hành vi của con người (điển hình như động lực hay thói quen). Ngoài ra, một số nhân tố dự báo như chuẩn chủ quan hay nhận thức kiểm soát hành vi rất khó có thể được đo lường một cách chính xác.
Là một lý thuyết siêu kinh điển về hành vi của con người, Thuyết hành vi có kế hoạch (TPB) ngày càng cho thấy được vai trò quan trọng của mình trong các nghiên cứu về tự nhiên và xã hội. Marketing Du Ký mong rằng là bạn đã có thêm nhiều kiến thức thú vị về mô hình này.