Thuyết hành động hợp lý (TRA) là một trong những lý thuyết siêu kinh điển liên quan đến việc giải thích hành vi của con người. Trong bài viết này, hãy cùng với Marketing Du Ký khám phá chi tiết về Thuyết hành động hợp lý (Theory of Reasoned Action - TRA) là gì nhé.


    Thuyết Hành Động Hợp Lý (Theory Of Reasoned Action  - TRA) Là Gì?

    1. Thuyết hành động hợp lý (TRA) là gì?

    Thuyết hành động hợp lý (Theory of Reasoned Action - TRA) là một trong những lý thuyết nền tảng trong lĩnh vực khoa học xã hội. TRA lần đầu được công bố vào năm 1975 bởi Martin Fishbein và Icek Ajzen.

    Theo đó, khung lý thuyết này được đề xuất dựa trên giả định rằng hành vi của con người là kết quả của một quá trình suy nghĩ có ý thức. Trong đó, (1) thái độ đối với hành vi và (2) chuẩn chủ quan là 2 yếu tố quan trọng đã góp phần dẫn đến ý định thực tế của con người.

    2. Chi tiết về Thuyết hành động hợp lý (TRA)

    Chi tiết về Thuyết hành động hợp lý (TRA)

    Theo Fishbein và Ajzen (1975), mô hình TRA được vận hành dựa trên các yếu tố:

    Thái độ đối với hành vi (Attitude toward the behavior): Là sự đánh giá về mặt cảm xúc của cá nhân đối với một hành vi cụ thể. Theo đó, nếu một người có thái độ tích cực với một hành vi nào đó thì khả năng dẫn đến hành vi thực tế của họ sẽ cao hơn. Thái độ này được hình thành từ các niềm tin cụ thể đối với hành động thực tế.

    Chuẩn chủ quan (Subjective norms): Là nhận thức của một cá nhân đối với những áp dụng xã hội xung quanh họ (gia đình, bạn bè,...). Theo đó, nếu một cá nhân cảm thấy rằng những người quan trọng đối với họ đang mong đợi họ thực hiện hành vi thì khả năng cao là sẽ dẫn đến hành vi thực tế của người đó.

    Ý định hành vi (Behavioral intention): Là sự sẵn sàng của một người để thực hiện một hành vi cụ thể. Đây chính là yếu tố dự đoán trực tiếp nhất của hành vi.

    Hành vi thực tế (Actual behavioral): Là những hành động thực tế có thể quan sát được và thường được quyết định bởi ý định thực hiện hành vi.

    3. Ưu điểm và hạn chế của Thuyết hành động hợp lý (TRA)

    Về ưu điểm, thuyết hành động hợp lý (TRA) là một khung lý thuyết nền tảng để phát triển nhiều lý thuyết quan trọng sau này (điển hình như Thuyết hành vi có kế hoạch - TPB). Ngoài ra, các nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực đã cho thấy mô hình TRA khá hữu hiệu trong việc dự đoán hành vi con người.

    Về mặt hạn chế, do Fishbein và Ajzen (1975) giả định rằng chỉ có thái độ và chuẩn chủ quan có tác động đến ý định dẫn đến hành vi nên đã bỏ qua nhiều yếu tố quan trọng khác (điển hình như yếu tố "nhận thức kiểm soát hành vi" trong mô hình TPB).

    Dù còn nhiều mặt hạn chế nhưng không thể phủ nhận rằng TRA đã đóng góp rất nhiều cho sự ra đời của nhiều lý thuyết hành vi sau này trong nhiều lĩnh vực. Marketing Du Ký mong rằng bạn đã có thể hiểu rõ các yếu tố cấu thành nên mô hình TRA trong bài viết này.