Mô hình chấp nhận công nghệ (TAM) là một trong những lý thuyết quan trọng trong việc nghiên cứu về hành vi của người dùng đối với công nghệ thông tin. Trong bài viết này, Marketing Du Ký sẽ giới thiệu đến các bạn những thông tin chi tiết về Mô hình chấp nhận công nghệ (Technology Acceptance Model - TAM).
1. Mô hình chấp nhận công nghệ (TAM) là gì?
Mô hình chấp nhận công nghệ (Technology Acceptance Model - TAM) được phát triển bởi Fred Davis vào năm 1989, với mục đích giải thích và dự đoán về sự chấp nhận và sử dụng công nghệ mới của người dùng.
Theo Davis (1989), mô hình TAM được vận hành dựa trên các yếu tố:
Nhận thức về tính hữu ích (Perceived Usefulness): Là mức độ mà người dùng tin rằng việc sử dụng hệ thống sẽ giúp họ hoàn thành công việc một cách tốt hơn. Theo đó, nếu người dùng cảm thấy rằng công nghệ sẽ giúp họ làm việc hiệu quả hơn, thì họ sẽ có xu hướng chấp nhận và sử dụng nó.
Nhận thức về tính dễ sử dụng (Perceived Ease of Use): Là mức độ mà người dùng tin rằng việc sử dụng hệ thống sẽ trở nên dễ dàng và không đòi hỏi nhiều nỗ lực thực hiện. Theo đó, nếu người dùng cảm thấy rằng việc sử dụng công nghệ là đơn giản và thuận tiện, thì khả năng cao là họ sẽ chấp nhận và sử dụng nó.
Thái độ (Attitude Toward Using): Là sự đại diện cho cảm nhận tích cực hoặc tiêu cực của người dùng đối với việc sử dụng công nghệ.
Ý định hành vi (Behavioral Intention to Use): Là yếu tố trung gian quyết định hành vi sử dụng công nghệ.
Hành vi sử dụng hệ thống (Actual System Use): Là việc người dùng thực sự tương tác và sử dụng một hệ thống công nghệ nào đó sau khi đã hình thành ý định sử dụng.
3. Ưu điểm và hạn chế của Mô hình chấp nhận công nghệ (TAM)
Về ưu điểm, Mô hình chấp nhận công nghệ (TAM) có thể dự đoán khá chính xác về sự sẵn sàng sử dụng công nghệ của người dùng. Đây là tiền đề quan trọng cho sự phát triển của mô hình UTAUT1 và UTAUT2 sau này. Ngoài ra, TAM còn giúp các nhà phát triển tạo ra những sản phẩm công nghệ vừa hữu ích, vừa dễ sử dụng nhưng lại đáp ứng tốt các nhu cầu của người dùng.
Về hạn chế, TAM vẫn còn khá đơn giản khi chỉ tập trung vào tính hữu ích và tính dễ sử dụng. Trong khi thực tế, sự chấp nhận công nghệ còn chịu ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố khác như xã hội hay văn hóa. Ngoài ra, TAM chỉ tập trung đánh giá sự chấp nhận ban đầu của người dùng đối với công nghệ mới, mà ít quan tâm đến việc sử dụng chúng trong dài hạn.
Tương tự như mô hình TRA của Fishbein và Ajzen (1975), TAM dù còn nhiều mặt hạn chế nhưng vẫn là một lý thuyết quan trọng cho sự phát triển các mô hình về hành vi sử dụng công nghệ sau này. Marketing Du Ký mong rằng bạn đã có thể hiểu được Mô hình chấp nhận công nghệ (Technology Acceptance Model - TAM) là gì.