Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, việc đánh giá năng lực của nhà nghiên cứu có ý nghĩa rất quan trọng. Một trong những chỉ số được sử dụng rộng rãi để đánh giá này là chỉ số H-index. Trong bài viết này, Marketing Du Ký sẽ làm rõ chỉ số H-Index là gì và hướng dẫn cách tìm chỉ số H của nhà khoa học.
1. Chỉ số H-index là gì?
Chỉ số H-Index (chỉ số Hirsch) là một thước đo được sử dụng để đánh giá mức độ ảnh hưởng và hiệu suất nghiên cứu của một nhà khoa học dựa trên số lượng ấn phẩm và số lần trích dẫn của các ấn phẩm đó. Hiểu theo cách đơn giản, đây là một thước đo kết hợp cả số lượng và chất lượng của các công trình nghiên cứu của một nhà khoa học.
Chỉ số này lần đầu tiên được đề xuất vào năm 2005 bởi Jorge E. Hirsch, một nhà vật lý tại UC San Diego. Theo tác giả, H-index tuy là một chỉ số đơn giản nhưng lại có hiệu quả để đánh giá thành tựu nghiên cứu của các nhà khoa học.
Ví dụ: Giả sử một nhà khoa học có chỉ số H là 15, điều này chứng tỏ là họ có ít nhất 15 bài báo đã được trích dẫn ít nhất 15 lần.
2. Ý nghĩa của chỉ số H-index
Chỉ số H không chỉ đơn thuần là một thước đo hiệu suất nghiên cứu thông thường. Trên thực tế, ý nghĩa của chỉ số H-index còn được dùng để đánh giá:
Uy tín của nhà nghiên cứu: Một chỉ số H-Index cao cho thấy nhà khoa học đó đã sở hữu nhiều công trình nghiên cứu có ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực của họ. Từ đó, uy tín của họ trong ngành cũng được gia tăng đáng kể.
Thước đo so sánh giữa các nhà nghiên cứu: Là một chỉ số có sự cân bằng giữa số lượng và chất lượng nghiên cứu, nên H-index là một chỉ số khá phù hợp nếu muốn dùng để so sánh năng lực giữa các nhà nghiên cứu.
Cơ sở cho các hoạt động tài trợ: Nếu phải đối mặt với quá nhiều sự lựa chọn, nhà tài trợ có thể cân nhắc việc sử dụng chỉ số H để cấp học bổng hoặc tài trợ nghiên cứu cho các nhà khoa học.
3. Cách tính chỉ số H-index
Để tính được chỉ số H-index, đầu tiên là phải sắp xếp tất cả các bài báo của nhà khoa học theo thứ tự giảm dần dựa trên số lượt trích dẫn. Tiếp đến, chỉ số H-Index được xác định là số lớn nhất sao cho có ít nhất H bài báo có số lần trích dẫn lớn hơn hoặc bằng H.
Ví dụ: Nếu một nhà khoa học có 10 bài báo và 8 trong số đó được trích dẫn ít nhất 8 lần thì H-Index của họ là 8.
4. Chỉ số H-index bao nhiêu là cao?
Tùy theo mỗi lĩnh vực nghiên cứu mà các nhà nghiên cứu sẽ có những chỉ số H khác nhau để đánh giá hiệu suất nghiên cứu của họ. Tuy nhiên, do Hirsch là một nhà vật lý nên cơ bản có một số tiêu chuẩn đánh giá như sau:
Đối với lĩnh vực vật lý: H-Index sau 20 hoạt động nghiên cứu là 20 đã được xem là thành công, trong khi H-Index 40 là cho những nhà khoa học nổi bật và 60 cho những thiên tài trong lĩnh vực này.
Đối với các lĩnh vực khác: H-Index 10 có thể được coi là tốt cho các nhà khoa học mới bắt đầu sự nghiệp, trong khi H-Index 30 trở lên thường được xem là cao trong nhiều lĩnh vực khác.
5. Cách tìm chỉ số H của nhà khoa học
Để tìm chỉ số H-Index của một nhà khoa học, bạn có thể sử dụng các công cụ và cơ sở dữ liệu trực tuyến như sau:
Google Scholar: Chỉ số H-Index sẽ được tự động tính toán dựa trên những bài báo và số lần trích dẫn trong hồ sơ cá nhân của các nhà nghiên cứu.
Scopus: Bạn hãy đăng nhập vào tài khoản Scopus và sử dụng chức năng "Author Search" để tìm kiếm tác giả cũng như xem chi tiết về chỉ số H của họ.
Web of Science: Tương tự như Scopus, bạn cũng có thể tìm kiếm thông tin tác giả tại "Author Search" và xem báo cáo trích dẫn để biết thêm về chỉ số H-Index.
Dù H-index là một chỉ số quan trọng nhưng nó không phải là tất cả nếu muốn dùng để đánh giá tổng quan về năng lực nghiên cứu của một người. Do đó, bạn cần dựa vào nhiều chỉ số khác nhau để có một cái nhìn chính xác và đa chiều hơn.
Trên đây là toàn bộ những chia sẻ của Marketing Du Ký về bài viết. Mong rằng bạn đã có thể hiểu được chỉ số H-index là gì, cũng như biết cách tìm chỉ số này.