Có một thực tế rằng việc đặt tên đề tài nghiên cứu khoa học tưởng chừng như rất đơn giản nhưng lại gây ra khá nhiều trở ngại đối với các bạn sinh viên. Trong bài viết này, Marketing Du Ký sẽ hướng dẫn bạn cách đặt tên đề tài nghiên cứu khoa học thật chi tiết và chuyên nghiệp.
1. Tầm quan trọng của việc đặt tên đề tài nghiên cứu khoa học
Trên thực tế, phần tên của đề tài nghiên cứu khoa học chính là nội dung mà giảng viên phản biện hoặc các chuyên gia bình duyệt sẽ đọc đầu tiên. Hay nói theo cách khác, việc đọc giả có tiếp tục xem qua những nội dung bên trong bài báo nghiên cứu hay không sẽ phụ thuộc rất lớn vào tên đề tài.
Một tựa đề phải bắt mắt và cô đọng được nội dung của toàn văn bài nghiên cứu thì mới được gọi là thành công. Điều này cũng tương tự như việc bạn lên Google và tìm kiếm một từ khóa về cách đọc kết quả EFA bằng phần mềm SPSS chẳng hạn. Một tiêu đề phải thật sự hay và hấp dẫn thì mới có thể thu hút bạn đúng không nào?
2. Cách đặt tên đề tài nghiên cứu khoa học
Tại đây, Marketing Du Ký sẽ hướng dẫn bạn cách đặt tiêu đề thế nào cho đúng cũng như chia sẻ một số ví dụ đặt tên đề tài nghiên cứu khoa học cụ thể.
2.1. Tiêu đề nên phản ánh được nội dung chính
Như đã đề cập, tiêu đề chính là phần nội dung mà gần như tất cả người xem sẽ đọc vào đầu tiên. Phần lớn trong số họ sẽ phán đoán được nội dung của bài báo thông qua tên đề tài nghiên cứu khoa học của bạn. Và trong trường hợp người xem cảm thấy một tiêu đề có vẻ mơ hồ thì kết quả như thế nào chắc là bạn cũng đã phần nào đoán ra.
Chính vì thế, để thu hút thêm nhiều người xem thì bạn nên đặt một tiêu đề ngắn gọn nhưng phải đầy đủ ý nghĩa. Bạn có thể đặt thử một tiêu đề và nhờ bạn bè hoặc những người có hiểu biết về nghiên cứu xem thử. Nếu thông qua tiêu đề mà họ có thể đoán được phần nào nội dung chính và phương pháp nghiên cứu thì bạn đã thành công rồi đấy.
2.2. Tiêu đề cần chứa đối tượng, khách thể và phạm vi nghiên cứu
Đầu tiên, bạn cần hiểu được sự khác nhau giữa đối tượng và khách thể nghiên cứu. Bạn có thể phân biệt giữa hai yếu tố trên thông qua phần 3.1.5. trong bài viết Cách Xây Dựng Đề Cương Nghiên Cứu Khoa Học Chi Tiết của Marketing Du Ký.
Giả sử, phạm vi nghiên cứu trong đề tài của bạn là Thành phố Hà Nội, khách thể nghiên cứu là Gen Z và đối tượng mà bạn cần nghiên cứu là hành vi tiêu dùng xanh của họ. Trong trường hợp này, bạn cần tối ưu tất cả các từ khóa trên vào tên đề tài nghiên cứu khoa học của mình.
Ví dụ, "Hành vi tiêu dùng xanh của thế hệ Gen Z trên địa bàn Thành phố Hà Nội".
2.3. Hãy đề cập tính mới trong tiêu đề
Yếu tố giúp bài báo khoa học của bạn trở nên nổi bật hơn so với một số bài báo khác chính là tính mới của đề tài. Do đó, bạn cũng nên đề cập thêm tính mới khi đặt tên các đề tài nghiên cứu khoa học nhé.
2.4. Tiêu đề nên được bắt đầu bằng từ khóa chính
Thật ra, người xem khá là "lười" khi đọc nội dung của các bài báo khoa học. Tương tự như bạn, họ cũng phải đọc rất nhiều tên đề tài nghiên cứu khoa học khác nhau để chọn tài liệu phù hợp cho bản thân. Và việc tối ưu hóa từ khóa chính trong tiêu đề là một cách vô cùng hữu hiệu để thu hút người xem.
Ví dụ, bạn đang thực hiện một đề tài với từ khóa chính là sự hài lòng chẳng hạn. Trong trường hợp này, tên đề tài của bạn nên là "Sự hài lòng của... trên địa bàn...".
2.5. Không nên viết tắt trong tiêu đề
Trong sinh hoạt hằng ngày, Marketing Du Ký tin chắc rằng bạn thường sử dụng rất nhiều từ ngữ viết tắt. Một vài trong số đó có thể kể đến như: Tphcm (Thành phố Hồ Chí Minh), cty (công ty),...
Thật ra, việc bạn sử dụng các từ ngữ viết tắt này là hoàn toàn bình thường trong giao tiếp. Tuy nhiên, một bài báo khoa học cần tính chuyên nghiệp trong từng câu từ. Do đó, hãy sử dụng từ vựng nguyên mẫu khi đặt các tên đề tài nghiên cứu khoa học bạn nhé.
2.6. Hạn chế dùng một số từ ngữ không cần thiết trong tiêu đề
Như đã đề cập, một bài báo hay nên được bắt đầu bằng một tiêu đề hay. Do đó, bạn cần tránh sử dụng những từ ngữ không cần thiết trong tiêu đề vì đây chính là yếu tố khiến toàn bộ bài nghiên cứu trở nên kém chuyên nghiệp trong mắt người xem.
Dưới đây là một số từ ngữ không cần thiết mà bạn nên tránh.
Các từ ngữ vô nghĩa: Nghiên cứu về, phân tích về, khảo sát về, các yếu tố ảnh hưởng đến,...
Các từ ngữ mang tính định hướng chung: Nhằm, hướng đến, với mục đích,...
2.7. Chú ý dung lượng của tiêu đề
Bạn có biết, một tiêu đề ngắn chưa chắc đã hay, một tiêu đề dài chưa chắc đã tốt.
Trên thực tế, khi bạn đặt tên cho đề tài nghiên cứu khoa học quá ngắn thì người xem sẽ rất khó để hiểu được bài nghiên cứu của bạn đang viết về vấn đề gì. Ngược lại, nếu tên đề tài quá dài sẽ làm giảm sự chú ý của người xem. Hệ quả là người xem sẽ chẳng thèm đọc thêm nội dung chi tiết của toàn bài nghiên cứu.
Dựa trên các tên đề tài nghiên cứu khoa học hay đã được công bố. Marketing Du Ký nhận thấy rằng bạn nên tối ưu dung lượng tiêu đề trong khoảng 15 đến 20 từ sẽ là phương án hiệu quả nhất.
Trên đây là một số cách đặt tên đề tài nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp mà Marketing Du Ký đã chia sẻ với bạn. Chúc bạn sớm thành công trong việc đặt tên cho bài báo nghiên cứu khoa học của mình.