Đối với nghiên cứu khoa học, việc phân loại được các biến có vai trò rất quan trọng trong việc hiểu rõ mối quan hệ giữa chúng và kết quả nghiên cứu. Trong bài viết này, Marketing Du Ký sẽ giúp bạn tìm hiểu các loại biến trong nghiên cứu khoa học.
1. Biến phụ thuộc (dependent)
Biến phụ thuộc (dependent variable) là biến số mà nhà nghiên cứu sẽ quan tâm đến việc đo lường và quan sát sự biến thiên. Biến này thường phản ánh sự thay đổi được tác động bởi các biến độc lập. Do đó, đây có thể được xem là biến quan trọng bậc nhất trong các loại biến trong nghiên cứu khoa học.
Đây có thể được xem là yếu tố kết quả trong mối quan hệ nguyên nhân - kết quả. Kết quả của nghiên cứu thường được thể hiện qua biến phụ thuộc, và nhà nghiên cứu sẽ đo lường biến này để xác định xem có sự thay đổi nào xảy ra hay không.
Ví dụ: Trong nghiên cứu về hành vi mua sắm trực tuyến của thể hệ gen Z, hành vi mua sắm trực tuyến sẽ đóng vai trò là biến phụ thuộc của mô hình nghiên cứu.
2. Biến độc lập (independent)
Biến độc lập (independent variable) là biến số đóng vai trò điều kiện của một nghiên cứu. Nói theo cách khác, đây là biến mà các nhà nghiên cứu sẽ kiểm soát chặt chẽ nhằm kiểm tra sự ảnh hưởng của biến này đến các biến khác. Tương tự như biến phụ thuộc, đây là biến số không thể thiếu trong mọi nghiên cứu.
Trên thực tế, biến độc lập thường được xem là nguyên nhân trong mối quan hệ nguyên nhân - kết quả. Khi thiết kế nghiên cứu, biến độc lập được xác định trước nhằm kiểm tra xem nó có thể tạo ra sự thay đổi với các biến khác, nhất là biến phụ thuộc hay không.
Ví dụ: Cũng với ví dụ trên, nếu giá cả, thói quen và ảnh hưởng xã hội có tác động trực tiếp đến hành vi mua sắm trực tuyến của thế hệ gen Z thì cả 3 yếu tố này sẽ đóng vai trò là biến độc lập.
3. Biến trung gian (mediator)
Biến trung gian (mediator variable) là biến số nằm giữa biến độc lập và biến phụ thuộc, có nhiệm vụ giải thích mối quan hệ giữa hai loại biến này. Việc xác định biến trung gian giúp làm rõ hơn cơ chế tác động của biến độc lập lên biến phụ thuộc trong mô hình nghiên cứu.
Ví dụ: Trên thực tế, nhiều nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng giá cả, thói quen, ảnh hưởng xã hội có ảnh hưởng đến ý định mua sắm trực tuyến và ý định lại có tác động trực tiếp đến hành vi mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng. Do đó, ý định mua sắm trực tuyến sẽ đóng vai trò là biến trung gian trong trường hợp này.
4. Biến điều tiết (moderator)
Biến điều tiết (moderator variable) là biến có ảnh hưởng đến mức độ hoặc chiều hướng của mối quan hệ giữa hai biến. Nó giúp xác định những yếu tố mà biến đóng vai trò độc lập có thể ảnh hưởng đến biến có vai trò phụ thuộc.
Trên thực tế, biến điều tiết có thể làm tăng hoặc giảm ảnh hưởng của biến đóng vai trò độc lập đến biến đóng vai trò phụ thuộc. Điều này giúp các nhà nghiên cứu có thể hiểu rõ hơn về những yếu tố điều kiện trong mối quan hệ giữa các biến.
Ví dụ: Nhằm củng cố mối quan hệ giữa ý định và hành vi mua sắm, một số nhà nghiên cứu đã bổ sung yếu tố cam kết vào mô hình nghiên cứu nhằm điều tiết mối quan hệ giữa hai biến này. Trong trường hợp này, cam kết chính là biến điều tiết.
5. Biến kiểm soát (control)
Biến kiểm soát (control variable) là các biến mà nhà nghiên cứu giữ cố định để loại bỏ ảnh hưởng của chúng đến biến phụ thuộc. Đúng như tên gọi, việc kiểm soát các biến này giúp đảm bảo rằng bất kỳ sự thay đổi nào trong biến phụ thuộc là do sự tác động của biến độc lập.
Việc kiểm soát các biến này giúp loại bỏ các yếu tố gây nhiễu bên ngoài và đảm bảo mối quan hệ giữa biến độc lập và biến phụ thuộc được đo lường một cách chính xác.
Khác với các loại biến số trong nghiên cứu khoa học, biến kiểm soát không chỉ là những biến định lượng mà vẫn có thể là các biến định tính.
Ví dụ: Trong nghiên cứu về hành vi mua sắm trực tuyến của thế hệ gen Z, các nhà nghiên cứu đã xem xét sự ảnh hưởng của giới tính với hành vi mua sắm. Trong trường hợp này, giới tính chính là biến kiểm soát.
6. Ví dụ về các loại biến trong nghiên cứu khoa học
Thông qua các ví dụ trên, bạn có thể dễ dàng xác định rằng vai trò của các biến trong mô hình nghiên cứu về hành vi mua sắm trực tuyến của thế hệ gen Z như sau:
Biến phụ thuộc: Hành vi mua sắm trực tuyến
Biến độc lập: Giá cả, thói quen và ảnh hưởng xã hội
Biến trung gian: Ý định mua sắm trực tuyến
Biến điều tiết: Cam kết
Biến kiểm soát: Giới tính
Việc hiểu rõ các loại biến và vai trò của chúng là nền tảng quan trọng để thực hiện một đề tài nghiên cứu khoa học thành công. Marketing Du Ký hy vọng rằng bạn đã có thể phân biệt các loại biến trong nghiên cứu khoa học thông qua bài viết này.