Bạn có biết, hai phương pháp nghiên cứu được sử dụng phổ biến nhất hiện nay là nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng. Trong bài viết này, Marketing Du Ký sẽ giúp bạn phân biệt nghiên cứu định tính và định lượng một cách chi tiết nhất.


    Phân Biệt Nghiên Cứu Định Tính Và Định Lượng

    1. Nghiên cứu định tính

    1.1. Định nghĩa

    Nghiên cứu định tính (qualitative research) là một phương pháp tập trung nhiều vào việc khám phá chi tiết quan điểm, ý nghĩa và hành vi của khách thể nghiên cứu đối với một hiện tượng nghiên cứu cụ thể.

    Thay vì tập trung vào các con số, nghiên cứu định tính hướng đến việc hiểu rõ hơn về quan điểm, cảm xúc, động cơ và hành vi của người tham gia nghiên cứu. Các yếu tố này sẽ là tiền đề để thực hiện các nghiên cứu định lượng.

    Một số phương pháp nghiên cứu định tính thường gặp có thể kể đến như: Phỏng vấn sâu, phỏng vấn nhóm, quan sát, phân tích tài liệu.

    Nghiên cứu định tính

    1.2. Ưu điểm

    Khai thác chiều sâu của vấn đề: Nghiên cứu định tính sẽ giúp nhà nghiên cứu có thể phân tích vấn đề một cách đa chiều và sâu sắc hơn. Đây là điều mà nghiên cứu định lượng khó có thể thực hiện được.

    Cung cấp nhiều thông tin hữu ích: Do dữ liệu định tính không bị gói gọn trong những con số nên chúng cung cấp nhiều thông tin rất sống động về những quan điểm và hành vi của khách thể nghiên cứu.

    Triển khai linh hoạt: Trên thực tế, việc triển khai nghiên cứu định tính có thể được điều chỉnh một cách linh hoạt dựa trên những thông tin hay phát hiện mới.

    1.3. Nhược điểm

    Tiêu tốn khá nhiều thời gian: Nếu thời gian để trả lời một bảng câu hỏi khảo sát chỉ mất từ 5 đến 10 phút thì việc triển khai nghiên cứu định tính lại tiêu tốn rất nhiều thời gian và công sức.

    Không thể đại diện cho tổng thể: Chính vì tốn nhiều thời gian và công sức để thực hiện nên số mẫu thu thập được từ nghiên cứu định tính thường rất ít. Do đó, kết quả từ dạng nghiên cứu này khó có thể đại diện được cho tổng thể.

    Thiếu đi tính khách quan: Trên thực tế, kết quả của nghiên cứu định tính có thể mang tính thiên lệch do ảnh hưởng bởi quan điểm hay trải nghiệm cá nhân của người nghiên cứu.

    2. Nghiên cứu định lượng

    2.1. Định nghĩa

    Nghiên cứu định lượng (quantitative research) là phương pháp thường sử dụng dữ liệu số và thống kê để kiểm tra các giả thuyết và đưa ra kết luận. Các giả thuyết của nghiên cứu định lượng thường được xác định dựa trên kết quả của nghiên cứu định tính.

    Mục tiêu chính của nghiên cứu định lượng là xác định mối quan hệ giữa các biến và kiểm tra giả thuyết thông qua các phương pháp thống kê.

    Một số phương pháp nghiên cứu định lượng thường gặp có thể kể đến như: Khảo sát, thử nghiệm.

    Nghiên cứu định lượng

    2.2. Ưu điểm

    Dễ thực hiện: Do việc triển khai nghiên cứu định lượng thường tập trung vào việc phát bảng câu hỏi khảo sát nên rất dễ thực hiện và tiết kiệm thời gian.

    Có khả năng mang tính đại diện: Do nghiên cứu định lượng rất dễ thực hiện nên số mẫu thu thập có số lượng vượt trội hơn rất nhiều so với nghiên cứu định tính. Với số lượng mẫu lớn như thế, nghiên cứu định tính hoàn toàn có thể đại diện cho tổng thể dựa trên các công thức tính kích cỡ mẫu.

    Mang tính khách quan cao: Việc thu thập ý kiến từ nhiều người đã tạo nên những nguồn thông tin đa chiếu. Từ đó giúp kết quả nghiên cứu trở nên khách quan hơn.

    2.3. Nhược điểm

    Khó có thể khai thác sâu vấn đề: Vì dữ liệu của nghiên cứu định lượng chủ yếu tập trung vào các con số nên khó có thể mang đến những thông tin sâu sắc để phản ánh vấn đề nghiên cứu.

    Khá cứng nhắc: Trên thực tế, đáp viên chỉ việc lựa chọn các phương án có sẵn trong bảng khảo sát khi thực hiện nghiên cứu định lượng. Do đó, rất khó để có thể áp dụng nhiều hình thức đối với dạng nghiên cứu này.

    Đòi hỏi kiến thức thống kê: Nếu nghiên cứu định tính cần khả năng đọc hiểu tốt thì nghiên cứu định lượng lại yêu cầu nhà nghiên cứu phải có kiến thức thống kê và biết phân tích dữ liệu thì mới có thể thực hiện.

    3. Sự khác biệt giữa phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng

    Dựa trên các thông tin sơ lược về phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng mà Marketing Du Ký đã trình bày. Dưới đây chính là sự khác biệt chính giữa nghiên cứu định lượng và định tính.

    Đặc điểm

    Nghiên cứu định tính

    Nghiên cứu định lượng

    Mục tiêu

    Phân tích sâu đặc tính, hành vi

    Lượng hóa đặc tính, hành vi

    Dữ liệu

    Từ ngữ, hình ảnh

    Số liệu

    Kích thước mẫu

    Nhỏ, không thể mang tính đại diện

    Lớn, mang tính đại diện

    Phương pháp chọn mẫu

    Phi xác suất

    Theo xác suất

    Phương pháp tiếp cận

    Phỏng vấn sâu, phỏng vấn nhóm, quan sát, phân tích tài liệu

    Khảo sát, thử nghiệm

    Thời gian

    Tương đối dài

    Tương đối ngắn

    Phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng đều có những ưu và nhược điểm riêng. Trên thực tế, có nhiều nghiên cứu đã kết hợp cả hai phương pháp để đạt được kết quả toàn diện hơn. Marketing Du Ký mong rằng bạn đã có thể phân biệt được nghiên cứu định tính và định lượng thông qua bài viết này.