Trên thực tế, việc lựa chọn loại thang đo phù hợp có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Thang đo không chỉ quyết định phương pháp thu thập dữ liệu mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả nghiên cứu. Trong bài viết này, Marketing Du Ký sẽ giới thiệu đến các bạn các loại thang đo trong nghiên cứu khoa học.


    Các Loại Thang Đo Trong Nghiên Cứu Khoa Học

    1. Thang đo là gì?

    Thang đo là một hệ thống đo lường được sử dụng trong thống kê, nhằm định lượng hoặc phân loại các đặc điểm, thuộc tính của một đối tượng, hiện tượng cụ thể. Một thang đo tốt có thể giúp các nhà nghiên cứu thu thập, phân tích và diễn giải dữ liệu một cách chính xác và có hệ thống.

    Theo Stevens (1946), có 4 loại thang đo chính được dùng để đo lường trong khoa học lần lượt là:

    • Thang đo định danh (norminal scale)
    • Thang đo thứ bậc (ordinal scale)
    • Thang đo khoảng (interval scale)
    • Thang đo tỷ lệ (ratio scale)

    2. Các loại thang đo trong nghiên cứu khoa học

    2.1. Thang đo định danh nghĩa (norminal scale)

    2.1.1. Thang đo định danh là gì?

    Thang đo định danh hay còn được gọi là thang đo danh nghĩa chủ yếu được dùng để phân loại đặc điểm của một chủ thể nhất định. Loại thang đo này hoàn toàn không có ý nghĩa về lượng.

    2.1.2. Ví dụ về thang đo định danh

    Trên thực tế, thang đo định danh có thể được trình bày với 2 hình thức sau:

    a) Câu hỏi 1 lựa chọn

    Đối với dạng câu hỏi này, bạn chỉ có thể chọn duy nhất 1 phương án trong số những tùy chọn được đặt ra. Ví dụ:

    Bạn đã từng sử dụng dịch vụ tại Marketing Du Ký chưa ?

    1. Rồi

    2. Chưa

    b) Câu hỏi nhiều lựa chọn

    Với dạng câu hỏi có nhiều lựa chọn, bạn có thể chọn nhiều hơn 1 phương án trong tổng số những tùy chọn được đưa ra. Ví dụ:

    Trong số những thương hiệu nước giải khát sau, bạn thường sử dụng các loại nào?

    1. Pepsi

    2. Sting

    3. 7 Up

    4. Coca Cola

    2.2. Thang đo thứ bậc (ordinal scale)

    2.2.1. Thang đo thứ bậc là gì?

    Thang đo thứ bậc hay còn gọi là thang đo thứ tự (ordinal scale). Tương tự với thang đo định danh, thang đo thứ bậc không có ý nghĩa về lượng. Loại thang đo này chủ yếu được sử dụng với mục đích so sánh thứ bậc giữa các phương án lựa chọn.

    2.2.2. Ví dụ về thang đo thứ bậc

    Thang đo thứ bậc thường được chia thành 2 dạng chính, gồm:

    a) Câu hỏi so sánh bắt buộc

    Thông thường, đáp viên sẽ tiến hành chấm điểm từ thấp đến cao (hoặc ngược lại) dựa trên các phương án được đưa ra trong bảng câu hỏi khảo sát. Ví dụ:

    Bạn hãy lần lượt tiến hành xếp hạng các thương hiệu bánh snack dựa trên mức độ yêu thích của bản thân. Theo đó, 1 là thương hiệu snack mà bạn yêu thích nhất.

    Xếp hạng

    Thương hiệu

    2

    Poca

    1

    Oishi

    3

    Toonies

    5

    O'star

    4

    Swing

    b) Câu hỏi so sánh cặp

    Bên cạnh việc tiến hành xếp hạng đối với các phương án cho trước, việc đặt các câu hỏi so sánh cặp thúc đẩy các đáp viên đưa ra sự lựa chọn nếu chỉ có 2 tùy chọn sẵn có. Ví dụ:

    Trong các cặp sau đây, bạn hãy tiến hành đánh số 1 vào thương hiệu bánh mà bạn yêu thích hơn, số 2 đối với thương hiệu bánh còn lại.

    Thương hiệu 1

    Xếp hạng

    Thương hiệu 2

    Xếp hạng

    Toonies

    2

    Poca

    1

    Toonies

    2

    Oishi

    1

    Toonies

    1

    O'star

    2

    Toonies

    1

    Swing

    2

    2.3. Thang đo khoảng (interval scale)

    2.3.1. Thang đo khoảng là gì?

    Thang đo khoảng hay thang đo khoảng cách (interval) dùng để đo khoảng cách giữa các tùy chọn. Đây là một trong các loại thang đo được sử dụng nhiều nhất trong các bảng câu hỏi khảo sát.

    Tuy nhiên, số 0 lại không mang ý nghĩa đối với loại thang đo này. Ví dụ, nhiệt độ hiển thị tại mức 0 độ không có nghĩa là không có nhiệt độ mà là mức giao nhau giữa nhiệt độ dương và âm.

    2.3.2. Ví dụ về thang đo khoảng

    Là một trong các loại thang đo được sử dụng nhiều nhất trong bảng câu hỏi nên thang đo khoảng có rất nhiều biến thể khác nhau. Dưới đây là những dạng chính của thang đo khoảng cách.

    a) Thang đo Likert

    Nếu thường xuyên trả lời bảng câu hỏi của các đề tài nghiên cứu khoa học thì chắc hẳn là bạn không còn xa lạ với thang đo Likert (đặc biệt là thang đo Likert 5 mức độ).

    Trên thực tế, thang đo Likert thường được dùng để đo lường mức độ đồng ý của đáp viên đối với một phát biểu. Vì là một thang đo định lượng nên nhà nghiên cứu cần mã hóa các tùy chọn thành số nhằm phục vụ cho việc tính toán. Ví dụ:

    Bạn hãy cho biết mức độ đồng ý của bản thân đối với các phát biểu sau. Trong đó:

    • 1 là hoàn toàn không đồng ý
    • 2 là không đồng ý
    • 3 là trung lập
    • 4 là đồng ý
    • 5 là hoàn toàn đồng ý

    Câu hỏi

    Điểm số

    1. Không gian quán thoải mái

    1

    2

    3

    4

    5

    2. Bàn ghế rộng rãi

    1

    2

    3

    4

    5

    3. Dụng cụ ăn uống đạt vệ sinh

    1

    2

    3

    4

    5

    4. Ánh sáng hài hòa

    1

    2

    3

    4

    5

    5. Trang trí sang trọng

    1

    2

    3

    4

    5

    b) Thang đo đối nghĩa

    Thang đo đối nghĩa có ý nghĩa khá tương đồng với thang đo Likert. Tuy nhiên, sự khác biệt lớn nhất chính là ở hai đầu cực là những biểu hiện có trạng thái hoàn toàn trái ngược nhau. Ví dụ:

    Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của nhà hàng X như thế nào?

    Tệ






    Tốt

    1

    2

    3

    4

    5

    6

    7

    c) Thang đo Stapel

    Thang đo Stapel là một trường hợp khá đặc biệt được cải tiến từ thang đo đối nghĩa. Theo đó, từ một phát biểu ở trung tâm sẽ được phát triển thành hai cực hoàn toàn trái ngược nhau.

    Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của nhà hàng X như thế nào?

    -3

    -2

    -1

    +1

    +2

    +3

    2.4. Thang đo tỷ lệ (ratio scale)

    2.4.1. Thang đo tỷ lệ là gì?

    Thang đo tỷ lệ (ratio scale) là thang đo duy nhất trong số các loại thang đo mà số 0 có ý nghĩa. Mục đích chính của loại thang đo này là để đo lường độ lớn bé của dữ liệu. 

    Khác với thang đo khoảng chỉ mang tính chất ước lượng, thang đo tỷ lệ lại cho biết cấp độ so sánh một cách chính xác. Ví dụ, số 4 có giá trị lớn gấp hai lần số 2.

    2.4.2. Ví dụ về thang đo tỷ lệ

    Bạn hãy chấm điểm các thương hiệu bánh sau dựa trên mức độ yêu thích của bản thân sao cho tổng số điểm sau khi cộng lại bằng 1000.

    Thương hiệu

    Poca

    Oishi

    Toonies

    O'star

    Swing

    Điểm

    250

    300

    200

    100

    150

    Như vậy, Marketing Du Ký đã chia sẻ tất cả về các loại thang đo trong nghiên cứu khoa học. Mong rằng bạn có thể áp dụng các loại thang đo này một cách khéo léo khi lập bảng câu hỏi khảo sát.