Hiện nay, chắc hẳn nghiên cứu khoa học đã không còn là một hoạt động xa lạ đối với các bạn sinh viên đại học. Tuy nhiên, làm thế nào để triển khai một đề cương nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp vẫn là thắc mắc chung của rất nhiều bạn sinh viên. Trong bài viết này, Marketing Du Ký sẽ hướng dẫn các bạn cách xây dựng đề cương nghiên cứu khoa học chi tiết.


    Cách Xây Dựng Đề Cương Nghiên Cứu Khoa Học Vô Cùng Đơn Giản

    1. Đề cương nghiên cứu khoa học là gì?

    Trước khi triển khai một đề tài nghiên cứu khoa học chính thức, việc đầu tiên mà bạn cần làm đó chính là lập đề cương nghiên cứu khoa học. Như vậy, đề cương nghiên cứu khoa học có thể được hiểu là một tài liệu mô tả chi tiết về kế hoạch và phương pháp mà bạn dự định sẽ triển khai khi một đề tài nghiên cứu khoa học.

    Tại một số trường đại học, bạn cần phải vượt qua vòng kiểm duyệt nội dung đề cương nghiên cứu khoa học thì mới được bắt đầu triển khai hoạt động nghiên cứu chính thức. Tuy nhiên, do nhiều sinh viên chưa có kinh nghiệm nên đã phải dừng chân tại "vòng gửi xe" này. Hãy cùng Marketing Du Ký tìm kiểu về cách xây dựng đề cương nghiên cứu khoa học chi tiết bạn nhé!

    Xem thêm: Cách đặt tên đề tài Nghiên Cứu Khoa Học chi tiết

    2. Đề cương nghiên cứu khoa học mẫu

    Dưới đây là mẫu đề cương nghiên cứu khoa học phổ biến nhất mà bạn có thể áp dụng cho đề tài nghiên cứu của mình:

    2.1. Giới thiệu

    • Bối cảnh nghiên cứu
    • Tính cấp thiết, tính mới
    • Mục tiêu nghiên cứu
    • Câu hỏi nghiên cứu
    • Khách thể và đối tượng nghiên cứu
    • Phạm vi nghiên cứu

    2.2. Tổng quan tài liệu

    • Tổng quan kết quả của các nghiên cứu trước
    • Phân tích kết quả và khoảng trống nghiên cứu

    2.3. Phương pháp nghiên cứu

    • Thiết kế nghiên cứu
    • Phương pháp thu thập dữ liệu
    • Phương pháp phân tích và xử lý dữ liệu

    2.4. Kết quả dự kiến

    • Một số kết quả mà nghiên cứu dự kiến sẽ đạt được
    • Ý nghĩa và đóng góp của nghiên cứu

    2.5. Tiến độ thực hiện

    • Các mốc thời gian và giai đoạn
    • Nguồn lực và ngân sách dự kiến

    2.6. Tài liệu tham khảo

    3. Cách xây dựng đề cương nghiên cứu khoa học chi tiết

    Sau khi đã tìm hiểu sơ lược về mẫu đề cương nghiên cứu cơ bản. Marketing Du Ký sẽ hướng dẫn bạn cách viết đề cương nghiên cứu khoa học chi tiết.

    3.1. Giới thiệu

    Nội dung đầu tiên mà bạn cần phải trình bày đó chính là giới thiệu về đề tài nghiên cứu của mình. Đây được xem là một trong những phần quan trọng nhất của đề cương nghiên cứu.

    3.1.1. Bối cảnh nghiên cứu

    Đối với bối cảnh nghiên cứu, bạn cần phải trình bày sơ lược về thực trạng của vấn đề mà bạn đang dự định nghiên cứu. Từ đó, làm rõ lý do vì sao vấn đề này lại thật sự quan trọng và cần được nghiên cứu.

    3.1.2. Tính cấp thiết, tính mới

    Tính cấp thiết có thể được hiểu là tính chất "thời sự" của đề tài nghiên cứu trong bối cảnh hiện tại. Ở phần này, bạn cần phải nêu rõ lý do vì sao mà đề tài nghiên cứu cần được thực hiện ngay bây giờ mà không phải tại một thời điểm nào khác. Một trong những cách để có thể trình bày tính cấp thiết mang sức thuyết phục cao nhất đó chính là khéo léo kết hợp những thông tin từ phần bối cảnh nghiên cứu để dẫn dắt người xem liên tưởng đến tính "thời sự" của đề tài.

    Khác với tính cấp thiết, tính mới thật chất là những điểm khác biệt và tính ưu việt của đề tài hiện tại so với những nghiên cứu đã được công bố từ trước. Bạn có thể khai thác tính mới của đề cương nghiên cứu khoa học của mình dựa trên phần kết luận và hạn chế từ những nghiên cứu tiền nhiệm.

    3.1.3. Mục tiêu nghiên cứu

    Mục tiêu nghiên cứu chính là những kết quả đầu ra mà đề tài nghiên cứu của bạn cần đạt được. Thông thường, khi bắt đầu xây dựng đề cương nghiên cứu khoa học, các tác giả thường trình bày 1 mục tiêu chính và 2 mục tiêu phụ. Tất nhiên, con số này không phải là công thức bắt buộc mà có thể thay đổi tùy thuộc vào kết quả đầu ra và dạng nghiên cứu mà bạn thực hiện.

    3.1.4. Câu hỏi nghiên cứu

    Có rất nhiều bạn thường lầm tưởng rằng câu hỏi nghiên cứu chính là câu hỏi khảo sát hoặc phỏng vấn. Tuy nhiên, quan niệm này là hoàn toàn sai lầm. Trên thực tế, câu hỏi nghiên cứu phải được đưa ra dựa trên từng mục tiêu nghiên cứu cụ thể mà bạn đã trình bày trước đó.

    3.1.5. Khách thể và đối tượng nghiên cứu

    Trên thực tế, có rất nhiều bạn vẫn không phân biệt được sự khác nhau giữa khách thể và đối tượng nghiên cứu. Điều này đã dẫn đến việc các bạn trình bày nội dung trên thiếu đi sự chính xác và chuyên nghiệp.

    Cụ thể, khách thể nghiên cứu chính là "nhân vật chính" trong đề tài nghiên cứu của các bạn. Trong khi đối tượng nghiên cứu chính là sự việc, hiện tượng mà bạn cần nghiên cứu.

    Ví dụ: Bạn bắt đầu xây dựng đề cương nghiên cứu khoa học với đề tài "Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên về chương trình giảng dạy của Đại học X". Trong tên đề tài đã bao gồm khách thể và đối tượng nghiên cứu. Cụ thể, sinh viên chính là khách thể nghiên cứu trong khi sự hài lòng mới là đối tượng nghiên cứu mà bạn cần thực hiện.

    3.1.6. Phạm vi nghiên cứu

    Thông thường, khi đề cập đến phạm vi nghiên cứu thì đa số các bạn sinh viên đều nghĩ rằng đó chỉ là phạm vi về mặt không gian. Tuy nhiên, phạm vi nghiên cứu trên thực tế bao gồm cả phạm vi về mặt không gian và thời gian.

    Phạm vi không gian chính là khu vực mà các bạn dự định sẽ triển khai hoạt động nghiên cứu. Phạm vi thời gian chính là khoảng thời gian tính từ lúc mà bạn bắt đầu hình thành ý tưởng cho tới khi hoàn tất đề tài nghiên cứu. Trong trường hợp đang xây dựng đề cương nghiên cứu khoa học, bạn hãy ước lượng phạm vi về mặt thời gian sao cho phù hợp nhất hết sức có thể.

    3.2. Tổng quan tài liệu

    Tổng quan tài liệu chính là cơ sở lý luận để bạn có thể dựa vào đó mà trình bày chi tiết hơn về đề cương nghiên cứu khoa học của mình.

    3.2.1. Tổng quan kết quả của các nghiên cứu trước

    Đối với phần này, bạn cần tìm kiếm, tổng hợp và phân tích kết quả của một số đề tài nghiên cứu tương tự trước đây.

    3.2.2. Phân tích kết quả và khoảng trống nghiên cứu

    Sau khi đã phân tích đầy đủ về kết quả của các đề tài nghiên cứu trước. Bạn hãy đánh giá ưu, nhược điểm và một số khoảng trống nghiên cứu từ các đề tài có liên quan. Từ đó, hãy xác định những vấn đề hoặc khía cạnh cụ thể mà những đề tài khác chưa được làm rõ.

    3.3. Phương pháp nghiên cứu

    Phương pháp nghiên cứu chính là nơi mà bạn sẽ trình bày cho người xem thấy rằng bản thân sẽ triển khai đề tài nghiên cứu như thế nào.

    3.3.1. Thiết kế nghiên cứu

    Đối với thiết kế nghiên cứu, bạn cần phải mô tả cách thức tiến hành nghiên cứu. Một số phương pháp phổ biến mà bạn có thể đề cập như: Định tính, định lượng, hỗn hợp.

    3.3.2. Phương pháp thu thập dữ liệu

    Tại phần phương pháp thu thập dữ liệu, bạn cần trình bày một số kỹ thuật được sử dụng để thu thập dữ liệu từ đáp viên như: Phỏng vấn, quan sát, khảo sát, thực nghiệm,...

    3.3.3. Phương pháp phân tích và xử lý dữ liệu

    Về phương pháp phân tích dữ liệu, bạn hãy trình bày một số phương pháp mà bạn đã áp dụng dựa trên dạng nghiên cứu cụ thể mà bạn triển khai (định tính, định lượng, hỗn hợp). Đối với nghiên cứu định tính, bạn có thể sử dụng phương pháp phân tích nội dung, phân tích chủ đề. Với nghiên cứu định lượng, bạn có thể áp dụng thống kê mô tả, kiểm định giả thuyết.

    Đối với phương pháp xử lý dữ liệu, bạn cần mô tả sơ lược về một số kỹ thuật xử lý dữ liệu trong nghiên cứu của mình như: "Làm sạch" dữ liệu, mã hóa, phân loại,... Bên cạnh đó, bạn có thể đề cập đến một số phần mềm phân tích dữ liệu như: Excel, SPSS, Smart Pls, AMOS,...

    3.4. Kết quả dự kiến

    Đây có thể được xem là phần dễ thực hiện nhất khi xây dựng đề cương nghiên cứu khoa học. Tại đây, bạn có thể trình bày một số kết quả mong đợi, những phát hiện hoặc khám phá mới. Bên cạnh đó, bạn hãy cho biết thêm về giá trị và những đóng góp của nghiên cứu đối với lĩnh vực nghiên cứu.

    3.5. Tiến độ thực hiện

    Tiến độ thực hiện cho biết bạn sẽ sử dụng các nguồn lực về tài chính và thời gian như thế nào trong đề tài nghiên cứu này. 

    Đối với nguồn lực và ngân sách dự kiến, bạn hãy liệt kê tất cả các nguồn lực, bao gồm: Nhân sự, trang thiết bị, tài liệu in ấn,... Bên cạnh đó, đừng quên dự toán ngân sách nghiên cứu cần thiết trong đề cương nghiên cứu khoa học bạn nhé.

    Ngoài ra, bạn cần lập bảng phân chia các giai đoạn và thời gian dự kiến cho từng hoạt động cụ thể sẽ triển khai trong nghiên cứu chính thức.

    3.6. Tài liệu tham khảo

    Cuối cùng, đừng quên bổ sung tất cả các tài liệu tham khảo mà bạn đã sử dụng để làm đề cương nghiên cứu khoa học bạn nhé. Đây là một trong những yếu tố quan trọng quyết định tính "khoa học" trong đề tài nghiên cứu của bạn đấy.

    Như  vậy, Marketing Du Ký đã hướng dẫn các bạn cách xây dựng đề cương nghiên cứu khoa học chi tiết vô cùng đơn giản. Mong rằng bạn có thể áp dụng tất cả những chia sẻ từ Marketing Du Ký để triển khai đề cương nghiên cứu khoa học một cách đầy đủ và chính xác.