Kiểm định độ tin cậy Cronbach's Alpha là bước phân tích dữ liệu vô cùng quan trọng đối với các nghiên cứu định lượng. Trong bài viết này, Marketing Du Ký sẽ giải thích hệ số Cronbach's Alpha là gì, đồng thời hướng dẫn các bạn cách chạy Cronbach's Alpha trong SPSS.
1. Hệ số Cronbach's Alpha là gì?
Cronbach's Alpha là một chỉ số thống kê được phát triển bởi Lee Cronbach - một nhà tâm lý học hàng đầu tại Hoa Kỳ vào năm 1951.
Hệ số Cronbach's Alpha thường được dùng để đánh giá độ tin cậy thang đo đối với các đề tài nghiên cứu định lượng. Cơ chế hoạt động của phương pháp kiểm định này là đo lường mức độ nhất quán nội tại của tất cả các câu hỏi trong cùng 1 thang đo.
Thông thường, việc thực hiện kiểm định Cronbach's Alpha trước hay sau phân tích nhân tố khám phá EFA tùy thuộc vào quan điểm khác nhau của các nhà nghiên cứu.
2. Tiêu chí đánh giá độ tin cậy thang đo
Để đánh giá độ tin cậy thang đo khi tiến hành chạy Cronbach's Alpha, bạn cần phải thỏa mãn một số tiêu chí sau.
2.1. Hệ số Cronbach's Alpha
Hệ số Cronbach's Alpha nằm trong khoảng từ 0 đến 1, được tính toán dựa trên mối tương quan giữa các câu hỏi trong thang đo. Càng tiến đến gần 1 thì độ tin cậy của thang đo càng cao.
Trên thực tế, chỉ số Cronbach's Alpha từ 0.7 trở lên có thể được xem là "an toàn". Trong một số trường hợp, các nhà nghiên cứu vẫn có thể kết luận dựa trên mức 0.6. Tuy nhiên, bạn nên so sánh Cronbach's Alpha với mức 0.7 nhằm đảm bảo kết quả đầu ra có độ tin cậy cao nhất có thể.
Dưới đây là phạm vi để kết luận độ tin cậy thang đo của hệ số Cronbach's Alpha.
2.2. Hệ số tương quan với biến tổng (Corrected Item-Total Correlation)
Bên cạnh Cronbach's Alpha, hệ số tương quan với biến tổng (Corrected Item-Total Correlation) là một tiêu chí phụ để đánh giá độ tin cậy của thang đo.
Theo đó, hệ số tương quan với biến tổng của từng biến quan sát cần đạt ngưỡng từ 0.3 trở lên. Nếu các biến quan sát không thỏa điều kiện trên, bạn hãy xem xét loại biến đó ra khỏi mô hình.
3. Cách chạy Cronbach's Alpha trong SPSS
Để tiến hành chạy Cronbach's Alpha, bạn hãy thực hiện theo các bước sau:
Tại giao diện chính của phần mềm SPSS, bạn lần lựa chọn Analyze ➪ Scale ➪ Reliability Analysis.
Sau khi bảng Reliability Analysis hiện lên, bạn hãy lần lượt đưa các biến quan sát trong từng thang đo sang cột Items.
Lưu ý, bạn chỉ thực hiện kiểm định Cronbach's Alpha với lần lượt từng thang đo chứ không tiến hành song song giữa nhiều thang đo với nhau.
Trong bài viết này, Marketing Du Ký sẽ tiến hành phân tích Cronbach's Alpha mẫu đối với biến Hài Lòng (HL).
Sau đó, bạn hãy chọn Statistics và lần lượt nhấp vào ô Scale và Scale if item deleted.
Cuối cùng, bạn nhấn Continue và tiến hành phân tích dữ liệu.
Dưới đây là kết quả của phần kiểm định Cronbach's Alpha đã được phần mềm SPSS xuất ra. Tuy nhiên, bạn chỉ sử dụng bảng Reliability Statistics và Item-Total Statistics để đưa ra kết luận.
Kết quả cho thấy chỉ số Cronbach's Alpha ≥ 0.9 nên thang đo Hài Lòng (HL) có độ tin cậy rất tốt. Ngoài ra, do hệ số tương quan với biến tổng đều lớn hơn 0.3 nên tất cả các biến quan sát đều đạt chất lượng tốt.
Tương tự, bạn hãy thực hiện kiểm định Cronbach's Alpha cho tất cả các thang đo khác trong mô hình nghiên cứu của mình.
Thông qua bài viết này, Marketing Du Ký mong rằng bạn đã có thể hiểu được hệ số Cronbach's Alpha là gì cũng như biết cách chạy Cronbach's Alpha trong phần mềm SPSS.